Cấu tạo đàn piano như thế nào?

Với hơn 8000 chi tiết, các nghệ nhân làm đàn phải hoàn thành chính xác hơn năm trăm công đoạn khác nhau thì mới tạo ra một cây đàn piano có âm thanh tuyệt vời cũng như bề ngoài sang trọng. Để có thể sử dụng và bảo quản cây đàn Piano của mình tốt hơn, mỗi người chơi đàn nên tìm hiểu rõ về cấu trúc của một cây đán piano trước khi học chơi nó.

Qua thời gian hình thành và phát triển, cho đến nay thì đàn piano đã được cải tiến rất nhiều về kỹ thuật cũng như về khoa học. Hiện nay, một cây đàn piano hiện đại bao gồm 6 bộ phận chính, bao gồm:

1. Khung đàn (Frame)

Chất liệu làm khung đàn thường được sử dụng nhất đó là sắt, ở phần rìa phía sau có gắn thanh chốt lên dây để cố định một đầu dây đàn. Phía trước khung đàn có một tấm khóa lên dây bao gồm rất nhiều các chốt lên dây. Các kỹ thuật viên thường điều chỉnh, canh dây cho cây đàn của bạn ở các chốt này.

Cấu tạo cơ bản của đàn piano

Còn đầu còn lại của dây đàn sẽ được quấn quanh các chốt lên dây này, và qua việc vặn các chốt lên dây này, kỹ thuật viên sẽ căng dây đàn của bạn sao cho đúng cao độ của nốt.

2. Dây đàn (String)

Dây đàn được làm bằng thép, được nối liền với khung đàn và soundboard. Khi quan sát dây đàn bạn sẽ thấy chúng có độ dài và độ dày khác nhau phụ thuộc vào cao độ của từng nốt.

Dây đàn piano được làm bằng thép với độ dài và dày khác nhau

Những nốt cao, dây đàn thường có ba dây cho một phím. Riêng những dây đàn ở phía dưới là những nốt thấp là một sợi dây thép có kích thước lớn hớn. Những sợi dây này thường nặng hơn bởi thêm một lớp đồng cuộn xung quanh dây. Đây là bộ phận quan trọng nhất của 1 cây đàn Piano, nên việc bản quản và bảo dưỡng dây đàn là rất quan trọng, bạn nên lên dây đàn ít nhất 6 tháng 1 lần để đạt được chất lượng âm thanh tốt nhất.

3. Bộ khuếch đại âm thanh (Soundboard)

Soundboard được coi là bộ phận quan trọng có tác dụng tăng âm bằng rung động cộng hưởng. Soundboard còn được gọi là bộ khuếch đại âm thanh hoặc bảng cộng hưởng, được đặt ở phía sau lớp dây đàn. Soundboard được nối trực tiếp với dây đàn, khi búa đàn gõ lên dây đàn, dây đàn sẽ rung và truyền vào soundboard, soundboard lúc này cũng rung theo và tác động vào không khí xung quanh, tạo nên âm thanh lớn. (Bản thân dây đàn quá nhỏ để có thể tác động lên không khí và tạo âm thanh, nên chúng mới được gắn với soundboard, soundboard lúc này có vai trò thay thế dây đàn tạo ra sóng âm, khuếch đại âm thanh). Soundboard thường được làm từ những loại gỗ quý hiếm và lâu năm như gỗ Vân Sam mỏng, cứng và bền bỉ.

4. Bộ cơ (Action)

Bộ cơ gồm các bộ phận được điều khiển chuyển động để tạo ra âm thanh. Đặc trưng nhất của bộ cơ là bàn phím (88 phím) và búa đàn. Bàn phím được điều khiển trực tiếp bằng ngón tay của người chơi. Quan sát trực tiếp thì chúng ta dễ dàng nhận thấy phím đàn có hai màu là trắng và đen. Các phím đàn màu trắng được làm bằng nhựa hoặc bằng ngà voi. Các phím đàn màu đen được làm bằng nhựa hoặc gỗ mun.

Bộ cơ là một trong những bộ phận quan trọng được điều khiển chuyển động để tạo ra âm thanh

Một bộ phận không kém quan trọng nữa nằm trong bộ cơ nữa chính là búa gõ. Khi người chơi tác động vào bàn phím thì đồng thời búa gõ sẽ chuyển động và đánh vào dây đàn và tạo ra âm thanh. Búa đàn được cấu tạo từ 9 chi tiết khác nhau, có đầu búa được bọc bằng nỉ (thường là lông cừu).

5. Bộ Pedals (bàn đạp)

Bất cứ cây đàn piano nào cũng có bộ pedals nằm bên dưới cây đàn, ngay trước chân của người chơi. Trước đây những cây đàn piano thường có 2 pedals nhưng những cây đàn đời mới được sản xuất thì sẽ có 3 pedals.

Pedal bên tay phải (damper pedal) đây là loại pedal được sử dụng nhiều nhất, với chức năng tạo ra âm thanh ngân vang ngay cả khi tay bạn đã buông khỏi phím đàn thông qua việc giữ “bàn phím chặn âm” tách khỏi dây đàn, cho phép dây đàn rung một thời gian dài.

 Pedal với chức năng tạo ra âm thanh ngân vang ngay cả khi tay bạn đã buông khỏi phím đàn

Pedal phía bên trái (una corda) làm giảm một nửa khoảng cách giữa đầu búa và dây đàn, hoặc là chuyển vị trí của đầu búa một chút sang bên cạnh, khiến đầu búa chỉ chạm vào một dây đàn thay vì 2 hay 3 dây như bình thường, làm giảm cường độ âm thanh.

Pedal ở giữa (sustaining pedal) đây là pedal được phát minh bởi người Pháp. Đây là pedal được xem là khó sử dụng nhất trong bộ pedals. Bởi vì pedal này chỉ ngân cho duy nhất một phím. Việc sử dụng bộ pedals này sẽ tạo ra những âm thanh tinh tế hơn, hay hơn.

6. Vỏ đàn (Case)

Vỏ đàn hay còn gọi là hộp đàn. Đây là bộ phận quyết định đến hình dáng của một cây đàn piano. Hộp đàn được làm bằng gỗ, được sơn bằng những nước sơn cao cấp, tạo nên độ bóng cho cây đàn piano.

Hiện nay, các loại piano đứng (Upright piano) có kiểu dáng tương đối giống nhau với chiều cao phổ biến từ 121-131 cm. Các loại đàn piano nằm (Grand piano) thường có chiều dài từ 1,5 mét đối với các loại baby grand piano và lên đến 2,7-3 mét đối với các loại sử dụng trong các buổi hòa nhạc, biểu diễn.

Vỏ đàn piano là bộ phận quan trọng không chỉ bảo vệ đàn mà còn tạo nên tính thẩm mỹ của cây đàn

Vai trò của vỏ đàn cùng khung đàn rất quan trọng, mỗi dây đàn tác động 1 lực khoảng 60kg lên 2 bộ phận này, tổng lực là tất cả dây đàn tác động có thể lên đến 30 tấn, nên việc bảo quản 2 bộ phận này của đàn Piano cũng cần được chú ý. Hiểu được điều này, trong quá trình sử dụng đàn bạn nên tránh va đập vào đàn, tác động lên vỏ đàn, đặc biệt trong quá trình vận chuyển đàn. Bạn có thể tham khảo bài chuỗi bài viết Cách vận chuyển đàn tại đây để có thể di chuyển cây đàn của mình 1 cách an toàn nhé.

Trên đây là sáu bộ phận quan trọng cấu tạo nên một cây đàn piano cơ bản. Để hiểu rõ hơn về các chi tiết hay các loại đàn piano thì bạn hãy tìm đọc các bài viết khác trên website của Showroom Piano TED SAIGON nhé. Việc hiểu về cấu tạo và cơ chế hoạt động của Piano sẽ góp phần giúp bạn học Piano nhanh hơn, đồng thời bạn sẽ biết cách bảo quản, bảo dưỡng Piano của mình 1 cách tốt hơn. Chúc bạn sớm thành công nhé!

Showroom Piano TED SAIGON